Công tác nghệ thuật luôn là cả một quá trình, đòi hỏi sự không ngừng học hỏi sáng tạo và luôn đem lại sự tươi mới, đa dạng, và kết quả quan trọng là nghệ thuật luôn mang tới cái đẹp cho người thưởng thức. Đối với tôi, ngành nghề nào cũng vậy, dù được thể hiện qua nhiều cách thức làm việc khác nhau nhưng rồi cũng nhằm đạt được mục đích nhất định, sau đó là sự thỏa mãn nhu cầu “đẹp” từ hữu hình đến vô hình. Có lẽ chính vì vậy mà tôi đã chọn nghề thiết kế nội thất - một nghề đậm chất “nghệ thuật”. Cảm giác được đứng trong ngôi nhà mà mình thiết kế, ngắm nhìn những vật dụng nằm ngay ngắn ở những nơi thích hợp, phục vụ hữu ích cuộc sống của và nhìn thấy vẻ hài lòng của gia chủ thật tuyệt vời.
Đến với nghề thiết kế nội thất, bạn sẽ được trải nghiệm một công việc thật sự mới mẻ và thú vị, đầy tiềm năng phát triển nhưng bạn cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Vì thế, nếu bạn xác định sẽ bước chân vào ngành nghề này và để thiết kế thành công công trình thì trước hết, bạn nên có những kiến thức cơ bản về tính chất của công việc thiết kế không gian nội thất:
Có thể hiểu thiết kế nội thất là việc tổ chức một nhóm các sản phẩm, dự án khác nhau nhưng có liên quan đến nhau nhằm biến một không gian nội thất thành “một sắp đặt hiệu quả cho nhiều hoạt động của con người” diễn ra bên trong không gian đó. Mặc dù du nhập vào Việt Nam đã khá lâu nhưng lĩnh vực thiết kế, trang trí nội thất mới chỉ thật sự được chú ý trong một vài năm trở lại đây và thường bị lầm tưởng với nghề kiến trúc. Tuy nhiên, khác với kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng, nhà thiết kế nội thất là người chịu trách nhiệm chính trong việc tạo cho không gian ngôi nhà, không gian công trình xây dựng, công trình kiến trúc thật trang trọng, hợp lý, đẹp mắt và giàu tính nghệ thuật; tạo cảm giác ấm cúng và gần gũi bằng nhiều vật liệu nội, ngoại thất độc đáo.
Hiện nay, tùy theo cách phân loại thì có nhiều dạng thiết kế nội thất khác nhau. Thông thường, thiết kế nội thất được phân loại các dạng chính bao gồm:
- Thiết kế nhà ở
- Thiết kế văn phòng
- Thiết kế cửa hàng bán lẻ
- Thiết kế chăm sóc sức khỏe
- Thiết kế khách sạn
Hoặc nói theo một cách phân loại tổng quát hơn thì thiết kế nội thất bao gồm: thiết kế nhà ở và thiết kế thương mại.
Nghề thiết kế nội thất là một nghề nghiệp bận rộn và nhiều áp lực, có rất nhiều hạng mục công việc mà bạn phải bao quát quán xuyến. Đặc biệt, khi bạn là một nhà thiết kế tự do, bạn còn phải dành nhiều thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với khách hàng, tìm kiếm và kí các hợp đồng v.v. Những công việc chuyên môn chung nhất nếu bạn muốn thành nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp là:
1. Khảo sát hiện trạng:
Trang trí nội thất là phần tiếp nối của kiến trúc công trình. Bởi vậy, việc đo đạc, khảo sát hiện trạng kiến trúc là phần không thể thiếu trong bước khởi động công việc của bạn. Ngay cả công trình mới xây và có bản vẽ thiết kế từ kiến trúc sư công trình, công việc khảo sát đo đạc hiện trạng cũng vẫn rất cần thiết, vì có thể đã có một số thay đổi trong quá trình thi công.Người xưa có câu “Mắt thấy tai nghe”, nếu công trình khôngđược bạn tiến hành khảo sát, kiểm tra đầy đủ, thiết kế nội thất của bạn sẽ thiếu chính xác và không đạt hiệu quả như mong muốn.
2. Nghiên cứu nhu cầu và đặc điểm của đối tượng sử dụng:
Tầm quan trọng của việc này hẳn bạn đã nhận ra. Chắc chắn không thể có một thiết kế nội thất tốt nếu nhà thiết kế không hiểu rõ những đặc điểm về nhu cầu, tính cách cũng như sở thích của người sử dụng nó. Một phòng ngủ cho người lớn, từ kích thước trang thiết bị, màu sắc cho đến phong cách… phải khác phòng ngủ trẻ em. Và không gian nội thất để cho một em trai hiếu động cũng phải khác một em gái nhẹ nhàng. Đặc biệt, khi trang trí nội thất cho một nhà hàng, khách sạn,trung tâm mua sắm v.v…, đối tượng sử dụng mà bạn nghiên cứu không chỉ là người đặt hàng bạn mà còn là những khách hàng tương lai của nơi đó – những người mà bạn không thể gặp gỡ hay trực tiếp hỏi han. Lúc này, hiểu biết về xã hội, tâm lý, óc phán đoán của người thiết kế trở thành yếu tố quan trọng quyết định thành công của thiết kế. Tất nhiên, bạn sẽ không thể làm việc này hoàn toàn một mình mà có sự hỗ trợ đáng kể từ phía khách hàng. Chính họ sẽ tư vấn cho bạn đối tượng khách mà họ muốn hướn gtới là ai, có đặc điểm gì, họ muốn phong cách cửa hàng như thế nào v.v…
3. Thiết kế công năng sử dụng:
Nội thất không chỉ để nhìn ngắm, mà trước hết phải tiện lợi cho việc sử dụng. Trước khi đi vào tìm ý tưởng hay phong cách thẫm mỹ, nhà thiết kế phải bố trí trang thiết bị công năng (bàn, ghế, giường, tủ…) trên mặt bằng. Thường thì kiến trúc sư công trình, trong giai đoạn sơ phác, cũng đã vạch ra một số phương hướng thông qua mặt bằng bố trí bàn ghế. Tuy nhiên, đó chỉ là những gợi ý và nhà thiết kế nội thất vẫn là người chủ đạo trong công việc bố trí trang thiết bị này.
4. Tìm phong cách chủ đạo:
Phong cách thiết kế là nhân tố chính tác động đến cảm nhận thẩm mỹ của mọi người khi bước vào không gian nội thất. Bạn muốn mọi người sẽ cảm nhận một không gian sang trọng, hoành tráng, hay bạn muốn một cảm nhận nhẹ nhàng, trẻ trung…? Phong cách mà bạn chọn ở giai đoạn này sẽ quyết định điều đó. Đôi khi các nhà thiết kế không cần tìm ý tưởng chủ đề của riêng mình, mà đưa ra các phong cách tiêu biểu như cổ điển, hiện đại v.v..Đi theo một trong số những khuynh hướng này, bạn đã có sẵn một số gợi ý về mặt chi tiết, màu sắc… Từ dó, dựa vào tư duy sáng tạo của mình, bạn sẽ điều chỉnh, phối kết hợp các yếu tố đó lại để đạt được yêu cầu sử dụng.
5.Thiết kế màu sắc, vật liệu:
Ở giai đoạn này, nhà thiết kế dựa vào ý tưởng chủ đạo vào phong cách nội thất, từ đó lựa chọn màu sắc chủ đạo, vật liệu hoàn thiện, ốp lát cho các thành phần cố định. Các kiến thức về bố cục tạo hình, về thẩm mỹ, phối màu sẽ phát huy tác dụng ở giai đoạn này. Ngoài ra nhà thiết kế phải thông hiểu nhiều chủng loại vật liệu hoàn thiện như sơn, veni, vải bọc, gạch ốp… Bạn phải am tường từ tính năng sử dụng cho đến kỹ thuật thi công lắp đặt và cả giá thành, để chọn lựa vật liệuphù hợp với phong cách và có giá tương ứng với “ngân sách” cho phép của công trình. Các công ty thiết kế nội thất thường tổ chức một thư viện vật liệu, được tập hợp và cập nhật thường xuyên từ các nhà cung cấp khiến mảng việc này của nhà thiết kế nội thất có phần dễ dàng hơn.
6. Thiết kế, lựa chọn trang thiết bị:
Công việc thiết kế và bố trí bàn, ghế, tủ… không chỉ phục vụ cho công năng sử dụng mà còn là yếu tố quan trọng để tạo ra phong cách kiến trúc. Bạn có thể lựa chọn các mẫu bàn ghế từ cataloge có sẵn do các nhà sản xuất cung cấp nếu phù hợp. Tuy nhiên, đối với một thiết kế nội thất cao cấp, khó có thể tìm được đầy đủ các loại bàn ghế trên thị trường vừa “hợp gu” nhau và hài hòa với ý đồ trang trí của bạn.Vì thế nhà thiết kế nội thất có khi phải kiêm luôn vai trò thiết kế bàn ghế. Các công ty thiết kế nội thất chuyên nghiệp thường có một bộ phận thiết kế bàn ghế, kết hợp với các xưởng sản xuất để đưa vào công trình các sản phẩm thống nhất về phong cách thẩm mỹ và ý đồ thiết kế.
7. Giám sát thi công:
Cũng như kiến trúc sư thiết kế công trình, người thiết kế nội thất cũng phải theo dõi quá trình thi công một cách thường xuyên. Giới kiến trúc sư công trình thường nói đùa “dân thiết kế nội thất ngồi mát ăn bát vàng”, vì quá trình giám sát thi công luôn diễn ra khi công trình đã hoàn thành cơ bản, ở trong không gian được che chắn, không phải dầm mưa giãi nắng, lội bùn sình như giám sát công trình xây dựng ở giai đoạn đầu.Tuy nhiên, việc giám sát nội thất cũng không đơn giản. Bạn phải chọn lựa, kiểm tra hàng trăm loại vật liệu hoàn thiện để đảm bảo chúng đạt tiêu chuẩn thiết kế và phối hợp hài hòa với nhau. Bạn cũng cần phải giám sát kỹ thuật thi công để đảm bảo các chi tiết trang trí được thực hiện đúng với ý đồ thiết kế của mình.
Nếu kiến trúc sư là người phác thảo những nét tổng quan của công trình thì người thiết kế nội thất là người phác họa chi tiết cho công trình đó. Để trở thành một nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp và thiết kế thành công những công trình bạn phải có những phẩm chất hay các kỹ năng cơ bản của nhà thiết kế. Có thể những phẩm chất này bạn có được từ năng khiếu tự nhiên của mình hay cũng có thể thông qua trải nghiệm và nỗ lực học hỏi không ngừng, và cho dù theo phương thức nào thì những kỹ năng cơ bản luôn là:
- Khiếu thẩm mỹ cao: Khả năng phối màu sắc và bày trí theo không gian cũng như thiết kế các vật liệu sao cho phải đảm bảo sự hài hòa với kiến trúc tổng thể lại vừa mang tính mỹ thuật cao cho công trình là điều sẽ quyết định cho sự khác biệt của nội thất chuyên nghiệp hay không.
- Khả năng quan sát và sáng tạo nắm bắt được xu hướng mới, chất liệu mới để đảm bảo luôn mang lại cho khách hàng những mẫu thiết kế mốt nhất, sành điệu nhất.
- Khả năng điều phối và quản lý dự án: Thiết kế nội thất nhấn mạnh về quy hoạch, thiết kế chức năng và sử dụng hiệu quả không gian. Một nhà thiết kế nội thất có thể thực hiện dự án bao gồm việc sắp xếp bố trí cơ bản của không gian bên trong một tòa nhà cũng như các dự án đòi hỏi phải có một sự hiểu biết về các vấn đề kỹ thuật như âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ,..
- Kỹ năng làm việc cộng tác, giao tiếp và phối hợp với nhiều ngành nghề khác: Họa sĩ có thể làm việc một mình và có thể hoàn thành tác phẩm của mình không cần sự hợp tác của người khác. Trang trí nội thất thì khác hoàn toàn – bạn phải làm việc với kiến trúc sư công trình, các kỹ sư chuyên ngành, các nhà cung cấp vật liệu và ngay cả công nhân thy công hay sản xuất…
- Am hiểu, có kiến thức những lĩnh vực liên quan:
Trang trí nội là một ngành khoa học kỹ thuật, vì thế các kiến thức liên quan đến kỹ thuật công nghệ xây dựng cũng là những yêu cầu không thể thiếu. Từ điện, nước, kết cấu đến tính năng kỹ thuật của vật liệu xây dựng…
Trang trí nội thất là công đoạn cuối cùng để đưa tác phẩm kiến trúc tới người sử dụng, vì thế bạn cần phải trang bị cho mình các kiến thức để có thể hiểu được tâm lý và nhu cầu người sử dụng. Mọi kiến thức văn hóa, xã hội đều ít nhiều có ảnh hưởng đến tác phẩm trang trí nội thất của bạn.
Tóm lại, thiết kế nội thất là một nghề đòi hỏi bạn phải có sự sáng tạo kết hợp với kiến thức kỹ thuật và các kỹ năng kinh doanh.
Đến với nghề thiết kế nội thất là bạn đến với một trong những nghề “vàng” và “hot” nhất hiện nay.
Có thể nói, nghề thiết kế nội thất hiện nay đang rất phát triển, nhất là trong lĩnh vực thiết kế thương mại, quán café và văn phòng. Với tốc độ gia tăng dân số hiện nay tại Việt Nam tỷ lệ thuận với tình trạng “đất chật người đông, sự phát triển hình thái bất động sản căn hộ chung cư, loại hình căn hộ, nhất là căn hộ cao cấp xuất hiện ngày càng nhiều, càng có nhiều người quan tâm đến thiết kế nội thất cho nhà ở.
Đặc biệt, công việc thú vị này còn đem lại cho bạn một mức lương “khủng” thật hấp dẫn. Theo thống kê của các trang việc làm hiện nay tại Việt Nam, mức lương khởi điểm đối với sinh viên ngành Thiết kế nội thất dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng. Đối với những sinh viên giỏi ngoại ngữ, có thể nhận mức lương tại công ty nước ngoài từ 700-1000USD/tháng. Riêng với cấp quản lý trong ngành này, mức lương lên đến 2000-3000USD/tháng.
Như vậy, một công việc “nghệ thuật” mang tính sáng tạo, thể hiện phong cách, dấu ấn riêng và liên quan đến cái đẹp và là một trong những “nghề vàng” hiện đang được các bạn trẻ ước mơ và đeo đuổi có thể là sự lựa chọn tuyệt vời của bạn.
Yêu cái đẹp, yêu công việc đem lại cái đẹp cho cuộc sống, bạn có thể làm cho ngôi nhà thân yêu – nơi gia chủ đi qua từng giây phút của cuộc sống bên cạnh gia đình, người thân, được hoàn mỹ hơn về mặt hình thức.
Nhìn những mẫu thiết kế không gian sau, chắc hẳn bạn sẽ phải “trầm trồ” và càng yêu công việc đầy nghệ thuật này hơn đấy:
Phòng khách hiện đại |
Phòng khách kiểu đồng quê |
Nội thất đẹp và sang trọng |
Tác giả: Cuc Thu