Tôi lấy chồng nhà chỉ còn mình bố chồng, bố tôi quê ở Thanh Hóa nơi mà người ta vẫn thường bảo là “Khu bốn đuổi ra, khu ba đuổi vào” và hay chê là là dân Thanh Hóa keo kiệt do cuộc sống quá nghèo khổ. Tôi không thấy bố tôi keo kiệt mà chỉ thấy ông tiết kiệm. Ông không bỏ phí đến một hạt cơm rơi. Tôi cho rằng như vậy là lành mạnh chứ không đáng bị lên án.
Có lần trên mạng đăng bài viết nói về các công ty phân biệt kì thị người Nghệ An, Thanh Hóa, không tuyển người quê ở những nơi này. Một phần lí do cũng là do người ở đây nghèo nên bị cho là kiệt sỉ. Nghe vậy, bố tôi buồn lắm. Bố tôi bảo đó là sự miệt thị nhẫn tâm của kẻ ác miệng. Ở đâu chẳng có người này người kia. Còn tiết kiệm là tốt chứ đâu phải là xấu
Bác Hồ còn chủ trương tiết kiệm. Theo Bác, tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to hơn cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực. Bố tôi nói, tuổi thơ bố tôi nghèo, không có cái gì để ăn, có được miếng cơm vào miệng là cả một niềm mơ ước lớn lao, giờ nhìn thấy những gia đình đổ cả nồi cơm vào thùng nước rác cho lợn mà thấy lãng phí quá.
Em chồng tôi có lần do không hỏi kĩ đứng trên tầng 3 vặn nhầm vòi nước, nhẽ ra vặn vòi nhỏ màu xanh để xả cặn bẩn, nó lại vặn nhầm vòi xanh lớn xả hết nước mưa đi. Bố tôi đã đánh nó lằn đít vì tội đã không biết còn làm bừa. Bố dạy: “Nước quý vô hạn, bao nhiêu nơi phải dùng nước ao, nước hồ đề ăn đây có cả bể nước sạch lại vặn xả đi”.
Đi chợ bố toàn bị các bà bán hàng quở là như đàn bà. Vì bố tôi cũng mặc cả, cũng chi li từng đồng. Bố không bao giờ mua hớ. Đến cọng hành bố cũng không mua thừa để phải vứt đi. Bố thường dạy chúng tôi cách đi chợ sao cho thuận mua vừa bán mà vẫn không bị lừa. Bố bảo, sở dĩ bố mua cái gì cũng hợp lý vì bố có đầu óc của người làm kinh tế. Bố tính toán hợp lý từ việc nhỏ cho đến việc lớn. Việc nhỏ là đi chợ, việc lớn là làm nhà. Lấy việc bố tôi xây nhà tôi là một ví dụ. Bố có sẵn kiến thức nghề tay trái là làm xây dựng, bố tính toán chất liệu chi tiết cho thợ đến mức không thừa không thiếu. Chủ thầu còn tính sai khiến bố phải chỉnh hộ. Chủ thầu sau vụ đó phải thốt lên là: Cháu chưa gặp ai như bác. Cháu bái phục bác. Bố không tự cao mà nói: “Tại bác có kinh nghiệm lúc còn công tác, nên giờ làm nhà cho mình thì đơn giản như trở bàn tay”.
Bố ăn uống rất giản dị. Lương hưu của bố là hơn 4 triệu nhưng ông ăn uống chỉ hết có hơn 1 triệu/tháng. Ông chỉ ăn thịt nạc thăn, các loại rau và lạc vừng. Ông không ốm yếu mà ngược lại, sức khỏe của ông rất tốt. Da thịt cứ đỏ au lên. Ông rất chăm tập thể dục. Do đó, ông nhanh nhẹn hơn cả người kém ông chục tuổi. Tổng chi tiêu tiền điện nước, truyền hình, điện thoại và các thứ lặt vặt khác của ông chỉ hết có hơn 1 triệu nữa. Còn lại, mỗi tháng ông cho cu Bin nhà tôi 2 triệu để làm tiết kiệm cho sau này đi học.
Một chi tiết nữa chứng tỏ sự tiết kiệm của ông là: ông nấu cơm rất hiếm khi thừa vì tính mức ăn cho mỗi người rất chuẩn. Hoặc có nấu thừa thì ông lại là người ăn cơm nguội. Tôi thương ông đòi ăn nhưng ông bảo bọn tôi trẻ không ăn được như ông vì sướng từ bé. Giờ gạo ngon, cơm nguội cũng ngon. Ngày xưa ông hầu như không được ăn cơm nên giờ có ăn cơm nguội với nước mắm ông cũng ăn được.
Nhà có đồ gì hỏng hóc ông không mang ra hiệu sửa ngay mà mày mò tìm hiểu tự sửa đã, không được thì mới thuê thợ. Do đó, bố tôi là chuyên gia trong việc sửa đèn, sửa quạt, sửa xe đạp thậm chí là xe máy và sửa nhà…Việc nào bố tôi cũng đảm nhận được. Đến cu Bin nhà tôi mới ba tuổi mà câu nói cửa miệng đã là: “Cái này gọi ông”, “cái này để ông sửa”... Tuy nhiên ông vẫn phải gọi thợ với những ca quá khó nhưng như thế cũng tiết kiệm được khối tiền cho gia đình.
Bố tôi cứ bảo, người Việt Nam ngoài một số doanh nhân, chính khách vơ được tiền của thiên hạ, còn người dân chỉ có tiết kiệm cộng một chút thuận lợi trong cuộc đời mới xây được nhà. Cũng nhờ quan điểm tiết kiệm và khi đi làm ông làm trưởng phòng công ty thiết kế nội thất, ông đã xây được cho gia đình một ngôi nhà và mua cho vợ chồng tôi một căn hộ chung cư với đầy đủ tiện nghi, có dàn karaoke cao cấp để cả nhà cùng vui vẻ những khi xum họp. Trong khi bạn bè đang vất vưởng thuê nhà trọ ở dột nát, chúng tôi có nhà rộng mát để ở. Bạn bè tôi cứ nói tôi số sướng được nhờ nhà chồng. Tôi cũng biết vậy nên biết ơn ông lắm. Từ ngày về làm dâu tôi cũng học tập tính tiết kiệm của ông. Tôi cũng dạy cu Bin nhà tôi biết trân trọng mọi thứ, từ việc biết giữ đồ chơi, đến không đòi mua những thứ linh tinh không cần thiết trong cuộc sống. Chính vì vậy cuộc sống của vợ chồng tôi cũng đơn giản và dung dị lắm. Tôi cũng để dành được một khoản kha khá sau 3 năm hai vợ chồng cày cuốc. Sắp tới chúng tôi sẽ đưa cho ông 300 triệu để mua một chiếc ô tô.
Theo tôi, không chỉ người Thanh Hóa tiết kiệm và bất cứ người dân Việt Nam nào có chí hướng, biết trân trọng giá trị cuộc sống đều có tính tiết kiệm. Thế hệ trẻ cần nhìn lại quan điểm phóng khoáng và chịu chơi đang thịnh hành hiện nay để có cái nhìn đúng đắn về một cuộc sống hạnh phúc. Bố tôi tuy tiết kiệm nhưng cuộc sống của ông rất đầy đủ về mặt tinh thần và cả về vật chất nữa. Ông sống không chỉ sống cho mình mà cho cả cháu con. Điều đó rất đáng trân trọng và đáng để cho chúng ta học tập.
Xem thêm: Hạnh phúc khi có mẹ chồng tâm linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét