Không gian sân vườn là nơi con người tìm đến với thiên nhiên, dù ở đô thị hay nông thôn, nên việc thiết kế sân vườn hợp phong thủy là vô cùng quan trọng. Phong thủy sân vườn giúp điều khiển sự lưu thông của khí để sinh khí trong vườn luôn hài hòa và hiện diện trong mọi ngóc ngách của vườn, mang lại cho con người cảm giác thư thái khi mọi thứ xung quanh mình được bài trí một cách hài hòa theo âm dương ngũ hành.
1. Lối đi và cổng vào đón những dòng khí tốt
- Lối đi:
Lối vào vườn là lối của sinh khí |
Khu vườn thường được xây dựng ở phía trước mặt ngôi nhà nhằm cân bằng không gian, cải thiện sinh khí cho ngôi nhà. Lối vào vườn chính là lối đi của sinh khí nên bạn cần dựa vào hướng của lối đi theo la bàn mà thiết kế lối vào sao cho có thể hút được những dòng khí tốt, cân bằng những luồng khí để tạo sự hài hòa.
Hướng Nam theo quan niệm phong thủy là hướng cát khí, tuy nhiên nếu bạn làm lối đi quá rộng thì khí sẽ ùa vào quá nhanh, có thể dẫn đến việc thừa dương khí. Ngược lại những dòng khí đi vào hướng Bắc thường chậm và nặng nề, vì thế nếu lối vào vườn của bạn từ hướng này thì bạn cần thiết kế rộng rãi, thẳng hoặc hơi cong.
Bạn không nên làm lối đi vào vườn theo hướng Tây bởi khí đến theo hướng này là khí dữ. Ngược lại, khí vào vườn theo hướng Đông là khí lành nên cần thiết kế lối đi thông thoáng, rộng rãi theo hướng này
- Cổng vào:
Cổng vườn cũng là yếu tố quan trọng trong phong thủy sân vườn. Bạn nên thiết kế diện tích cổng vào vừa phải, hợp với diện tích sân vườn. Nếu cổng vào quá rộng những dòng khí tốt sẽ dễ bị thổi vụt đi mất, nếu quá hẹp khí sẽ trở nên quẩn.
Bạn nên dùng loại cổng song thưa, chỉ nên dùng cổng kiên cố nếu bên ngoài là khí độc hại cần cản trở. Vật liệu làm cổng nên căn cứ theo hướng của ngôi nhà. Với nhà ở hướng Đông, ứng với hành Mộc, nên dùng cổng gỗ. Nhà ở hướng Tây, ứng với hành Kim, cổng nên được làm bằng kim loại. Màu sắc cổng sáng hay tối tùy thuộc vào sự phù hợp với cảnh quan của khu vườn.
2. Bài trí vật dụng hợp phong thủy
Bài trí vật dụng trong sân vườn trước hết là phụ thuộc vào mục đích sử dụng khoảng không gian này của bạn. Ví dụ khu vực dành cho tiếp khách bạn nên trồng hoa để tạo ấn tượng. Với các gia đình có trẻ em, bạn nên thiết kế một góc dành cho bé chơi đùa, có thể là một bãi cỏ rộng với các trò chơi, các tiểu kiến trúc trẻ trung. Với những người ham đọc sách, có thể thiết kế thêm nơi đọc sách, học hành và các hoạt động phát triển trí tuệ lẫn tâm hồn...
Nhưng dù sử dụng với mục đích nào, bạn cũng cần quan tâm đến phong thủy của khu vườn, nghĩa là phải sắp đặt sao cho hài hòa "âm - dương, ngũ hành". Để đạt được sự hài hòa theo nguyên tắc phong thủy, một sân vườn cần có những yếu tố sau:
- Nước: Ở khu vực dành để thư giãn, nghỉ ngơi thì nên đặt suối hay vòi nước phun, bởi nếu mặt nước tĩnh và rộng thì sẽ tạo ra những khoảng ấm thấp, khí có thể bị tù đọng. Với khu vực dành cho các hoạt động vui chơi giải trí bạn có thể thiết kế hồ bơi hay hồ tắm lộ thiên…
- Núi: Trong khu vườn phong thủy truyền thống còn có “giả sơn” (ví dụ như hòn non bộ). Núi tượng trưng cho sự yên tĩnh, thiền định. Bên cạnh núi bao giờ cũng có dòng nước róc rách. Sơn thủy là cặp hình tượng biểu thị quan hệ "âm - dương" rõ rệt nhất: một tĩnh - một động, một âm - một dương, một vươn cao - một trầm mặc sâu lắng.
- Hoa, cây cảnh: Sân vườn nhà bạn nên có cả hoa và cây cảnh. Mỗi loại hoa, cây cảnh có hình dáng, màu sắc tượng trưng cho các hành và bạn nên lựa chọn hợp với mệnh của mình. Ví dụ dây leo, cây liễu rủ tượng trưng cho hành Thủy hợp với người mệnh thủy. Cây hoa sắc đỏ tượng trưng cho hành Hỏa, rất thích hợp để kích thích sinh khí của vườn... Bạn cũng có thể trồng những loại thảo dược có tác dụng thư giãn, trị bệnh hoặc tận dụng một góc trong sân vườn là nơi ươm trồng hoa, cây cảnh để bán…
- Các vật trang trí: Bạn có thể trang trí thêm sân vườn của mình bằng tranh ảnh, giá sách… Nếu vật trang trí bằng gỗ, nên đặt ở hướng Đông ứng với hành Mộc. Nếu nhà ở xoay về hướng Tây nên dùng vật trang trí bằng kim loại (Kim). Nếu dùng tượng hay bình, lu bằng đất, đá nên đặt ở giữa vườn ứng với hành Thổ.
- Hệ thống đèn: Vào ban đêm, cả khu vườn chìm trong bóng tối là thuần âm. Đèn tượng trưng cho hành Hỏa, là thuần Dương. Đặt đèn trong vườn có tác dụng kích thích sinh khí của vườn vào đêm, và làm tăng vẻ đẹp lung linh huyền ảo của khu vườn.
- Hàng rào: Hàng rào là yếu tố ngăn cách sân vườn với môi trường bên ngoài. Do đó, với việc điều chỉnh độ dày hay thưa, cao hay thấp, và mở cổng phụ hay không trên hàng rào có thể giúp ta tiết chế hay mở rộng đón luồng sinh khí vào vườn.
3. Cải tạo khi sân vườn thiếu phong thủy
Nếu như khu vực sân vườn của bạn trước đây được thiết kế chưa hợp phong thủy và bạn không muốn phải phá đi, thì những cách dưới đây có thể giúp bạn khắc phục điều đó:
- Nếu vườn thiếu ánh sáng, bạn có thể chặt bớt cây cối, dùng gương hay tạo mặt nước phản chiếu để đưa ánh sáng vào các góc khuất của vườn.
- Ở những nơi khí tụ, có thể sử dụng âm thanh để phát tán khí như tiếng chuông gió, âm thanh từ suối hay vòi phun nước, tiếng chim. Bạn cũng có thể cải tạo bằng cách xây các lối đi thẳng, cột hình tháp, vòm cung, cây tre… để phát tán khí.
- Ở nơi có luồng khí yếu, bạn nên trang trí bằng những vật dụng có màu sắc thuộc hành Hỏa (tím tía, đỏ cam) hoặc những thành phần động (hồ cá, dòng suối…) để kích thích sinh khí. Ngược lại, sử dụng các màu xanh lá cây, màu trắng, xanh nhạt, màu hồng phấn… hoặc những vật tĩnh (tượng, lu, chậu…) để làm dịu ở những nơi có luồng khí quá mạnh.
Một sân vườn đẹp hợp phong thủy kết hợp với một không gian cây cảnh trong nhà được bố trí hợp lý sẽ khiến cho không gian tổng thể nhà bạn được hoàn mỹ hơn. Bạn có thể tham khảo thêm về Cách “chơi”cây cảnh hợp phong thủy và rút ra những điều hợp lý nhất với ngôi nhà mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét